Trang nhất
  Xã Luận
  Đọc Báo Trong Nước
  Truyện Ngắn
  Kinh Tế
  Âm vang sử Việt
  Tin Thể Thao
  Y Học
  Tâm lý - Xã hội
  Công Nghệ
  Ẩm Thực

    Diễn Đàn Biển Đông
Bắc Kinh yêu cầu Manila ngừng khiêu khích ở Biển Đông
    Hình Ảnh Quê Nhà - Video Clip
Nồng ấm Tết cổ truyền dân tộc Khmer Chôl Chnăm Thmây
    Tin Thế Giới
Xung đột Hamas - Israel: Israel hoàn tất chuẩn bị cho chiến dịch quân sự ở Rafah
    Tin Việt Nam
Thùy Tiên đại diện thanh niên VN phát biểu tại Đối thoại của Tổng Thư ký ASEAN
    Tin Cộng Đồng
Ukraine tìm cách đưa công dân nam về nước
    Tin Hoa Kỳ
Mật vụ Mỹ lên kế hoạch bảo vệ trong trường hợp ông Trump bị giam giữ
    Văn Nghệ
Huế
    Điện Ảnh
David Beckham kiện tài tử 'Transformers'
    Âm Nhạc
Danh tính nữ ca sĩ Việt may mắn gặp Rosé (Blackpink), lại còn chiêu đãi fan ảnh cam thường
    Văn Học
Bắt học sinh đi học ngày nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, hiệu trưởng bị xem xét kỷ luật

Thông Tin Tòa Soạn

Tổng biên tập:
Tiến Sĩ
Nguyễn Hữu Hoạt
Phụ Tá Tổng Biên Tập
Tiến Sĩ
Nhật Khánh Thy Nguyễn
Tổng Thư ký:
Quách Y Lành




   Truyện Ngắn
Thắp sáng ngày vui
Trong buổi chiều ngồi lại bên đồi cạnh Tuyến, với những lời ngọt ngào, tôi hy vọng tìm lại bình yên cuối đời.

 



Một mình trong căn nhà rộng, ngồi nhìn ra bên ngoài qua hai cánh cửa sổ, nắng tháng sáu lọt qua những khe cửa, ánh sáng luồng vào nhà rạng nóng hực lên hơi oi bức. Tôi lặng lẽ nhìn những người bạn hàng xóm đang cùng nhau chạy bộ.


Sống qua hết hai tiểu bang, cuối cùng tôi chọn thành phố điều hiu này. Một số bạn bè thắc mắc, muốn tìm hiểu vì sao, tôi lẳng lặng cười. Chỉ có tôi mới hiểu được tôi, không buồn giải thích. Mua lại căn nhà của cặp vợ chồng vừa ly dị, giá thấp khiến tôi cảm thấy may mắn lạ. Sáng tối đi làm một mình, tôi sống thầm lặng nhất trong khu nhà mới xây, không giống như những người hàng xóm mỗi một ngày họ vui vẻ trở về sau giờ làm viêc. Ở đây, không có lấy một người Việt, duy nhất mình tôi. Đôi lúc gặp người hàng xóm sống cận nhà, vài ba câu xã giao xong đường ai nấy đi, không lưu luyến, chỉ mong để hòa nhập trên miền đất lạ. Không ai thắc mắc đến ai.


Tháng trước, nhận được giấy mời dự cuộc họp mặt bạn bè, nghĩ tới lúc đi một mình, tôi hơi chán nản. So đo chần chừ mãi, nhưng muốn gặp những người bạn cũ, cuối cùng tôi mới quyết định mua vé máy bay.  


Mặc dầu chưa ra khỏi nhà đã thấy nhớ khu nhà lặng yên, nhớ căn nhà sàn gỗ của mình. 


Chuyến đi thật thú vị, nhìn những bạn học ngày nào nay đã thành bà nội, ngoại. Ngồi ôn lại tuổi học trò một thời, rưng rưng lòng đầy thương nhớ. Ba ngày gặp gỡ nhau, thật không đủ thời gian để cùng ôn lại nổi buồn vui. Tôi xúc động khi giả từ đám bạn thân thiết ở phi trường, hẹn hai năm nữa lại gặp nhau. Hạnh quyến luyến không muốn chia tay, khiến anh Thương chồng Hạnh nhắc nhở mãi, chỉ sợ trễ giờ bay.


Tuy về đến nhà gần ba tuần lễ nay, nhưng lòng tôi vẫn còn vương vấn mãi niềm vui trong những ngày họp mặt bạn bè. Hai ngày Đại hội thật vui, lắm chuỗi cười đùa của những cô học trò của một thời, khiến cho tôi sống lại tuổi học trò, quên đi tuổi tác của mình hiện tại. 


Nhân dịp này, tôi tình cờ gặp lại Tuyến. Quá khứ trở về trong trí tôi.Tuyến anh trai của Nguyên, bạn học cùng lớp trước đây. Ngày đó, cứ mỗi lần Nguyên rủ tôi tới nhà học chung, anh trai Nguyên thường hay bắt chuyện và dọ hỏi tôi lắm khi tôi đỏ mặt trả lời như trốn chạy.


Ngày đầu tiên trong buổi họp mặt, khi tôi tìm đến nơi, mọi người đã có mặt và bắt đầu vào chương trình. Ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh Hạnh, tôi ghé miệng hỏi nhỏ người bạn một câu ngắn gọn:


-Bắt đầu lâu chưa?


Hạnh nhìn tôi cười, lắc đầu.


-Cũng mới giới thiệu mấy thầy cô ở Việt Nam qua thôi. Khoảng chừng vài phút.


Tôi thở phào nhẹ nhỏm trong lòng. Chưa hề đi trễ, nhưng lần này đến chỗ lạ, chạy xe loanh quanh mãi một hồi mới tìm thấy.


Thầy Dung giới thiệu người đàn ông mặc áo thun màu đen, quần kaki ngồi mãi tận dưới cây oak cách xa chỗ tôi ngồi. Khi anh đứng lên, mỉm cười nhìn mọi người, tôi há hốc miệng, bỡ ngỡ nhìn người đàn ông đứng trước mặt, khá đầy ngạc nhiên. Tôi nhận ra Tuyến ngay sau nụ cười nghịch ngợm trên khuôn mặt của anh. Thời gian xa cách cũng khoảng hai mươi mấy năm qua, tôi mới gặp lại Tuyến. Anh vẫn không mấy thay đổi, chỉ mập hơn và thêm bộ râu trên mép.Thầy Dung giới thiệu vài ba câu và trao micro cho Tuyến. Nụ cười dí dỏm vẫn không bỏ trên môi, Tuyến cúi đầu cám ơn ban tổ chức và nói lý do có mặt hôm nay. Chỉ tình cờ đọc báo, biết có buổi họp mặt trường cũ, nên quyết định tham dự. Anh ngưng lời, cười rồi tiếp:


-Tôi cũng có chút lý do riêng, muốn tìm gặp người bạn cũ đã lâu rồi không gặp. 


Mấy chị đang ngồi vây quanh thầy Dung, nhao nhao lên:


-Vậy anh có gặp người bạn cũ chưa?


Tuyến cười:


-Có, tôi cũng vừa mới thấy, nhưng chưa được nói chuyện, bởi có thể bạn của tôi chưa nhận ra. Thời gian quá lâu, không biết người bạn cũ có còn nhớ tới tôi nữa hay không. 


Hạnh hét to:


-Có phải cô nàng mới bước vào không?


Hạnh nói xong hóm hỉnh nhìn tôi cười.


Tuyến chụm một bàn tay đưa lên mắt che cho đỡ chói nắng, trố mắt nhìn vế phía Hạnh ngồi


-Chị đoán hay ghê.


Cả mấy chục cái đầu quay lại nhìn về phía Hạnh ngồi. Những đôi mắt nhìn về phía tôi không chớp. Hạnh bật đứng dậy, tôi kéo mạnh tay người bạn gái, mặt đỏ nhừ:


-Hạnh, khỉ ghê. 


Hạnh bướng bỉnh gỡ nhẹ tay tôi, cười:


-Ta biết, lúc nãy ông Tuyến đến đây, giả bộ đi vòng vòng tìm người quen. Ông đi qua đi lại hai ba vòng rồi mới chịu qua bên kia ngồi. Anh ta nhìn chằm chặp từng người như cảnh sát tìm kẻ phạm pháp. Mặc dù đã đầy đủ bá quan văn võ, nhưng anh không dừng lại bất cứ người nào. Vẻ mặt anh ta hơi thất vọng.  


Hóa ra Tuyến đến trước tôi lâu rồi. Nhưng tôi vừa chạy, vừa lắng tai nghe trên GPS để tìm đường nên khá mất thì giờ. Từ khách sạn đến đây mất khoảng chừng ba mươi phút, nhưng loanh quanh trễ mất mười lăm phút, thật ra ngoài dự định, khiến tôi luống cuống, nhưng không làm sao hơn. 


Đang suy nghĩ, Tuyến đến sau lưng tôi hồi nào không hay. Hạnh nhích vào khủy tay tôi, ho lên đằng hắng. Hạnh bỏ đi không quên quyẹt nhẹ lên má tôi, cười.


Tuyến ngồi xuống cạnh, bằng tất cả sự dịu dàng, Tuyến nói:


-Anh đến đây sớm hơn cả mọi người, trừ cô thầy Dung. Anh ngồi đếm từng người bước vào, nhưng thất vọng, nghĩ sẽ không gặp được Liên. Tháng trước đây, anh có liên lạc với chị Thủy, hỏi xem trong danh sách ghi tên có Liên không. Chị trả lời có, làm anh hí hửng đếm ngày đêm trông gặp lại nhau. Sáng nay ngóng hoài không thấy Liên đâu cả. Anh hơi buồn, nhưng vẫn cố kiên nhẫn ngồi chờ, biết đâu được Liên đến trễ không chừng. May sao anh ước đoán như suy nghĩ. Trước khi thầy Dung giới thiệu, chợt thoáng nhìn thấy Liên bước vào, anh nhận ra ngay, tim anh như muốn ngừng đập. Liên vẫn thế, không thay đổi bao nhiêu. Vẫn lặng lẽ như ngày xưa. Điều này khiến anh nhớ Liên dù xa nhau cả một phần tư thế kỷ. Thời gian qua nhanh quá phải không Liên. Anh chỉ thoang thoáng biết chút đỉnh tin tức Liên qua Nguyên ngày đó. Anh xin chia buồn chuyện gia đình Liên. Sau ngày anh qua tới đây, Nguyên ở lại thỉnh thoảng có nghe Nguyên kể về hoàn cảnh Liên. Không ai biết trước được tương lai của mình. Điều an ủi nhất, mình vẫn còn hiện diện ở đây, cho dù hoàn cảnh mỗi người đều thay đổi.


Tôi hơi choáng váng khi ngồi tại nơi nầy, bên cạnh Tuyến. Đúng như lời anh nói, không một ai hay biết chuyện tương lai. Tuyến biết rõ hoàn cảnh của tôi, nhưng trái lại, mỗi lần gọi điện thoại về thăm Nguyên, tôi chỉ kể về hoàn cảnh của tôi, mà không hề hỏi rõ chuyện riêng tư của anh. Tôi vẫn thế như ngày xưa, lặng lẽ, không hối hả, chịu đựng.


Chịu đựng như ngày tôi xa Quế, Chịu đựng khi qua Pháp thăm anh, nhân dịp lễ Noel. Mẹ và em gái anh đón tôi ở ngưỡng cửa khi tôi bước vào nhà. Bà cười cười lạnh lùng coi tôi như một người xa lạ chứ không phải con dâu, dù Quế đã cưới tôi nhiều năm qua. Bình, em gái Quế nắm lấy tay tôi dẫn vào nhà bếp, giới thiệu hai cô bạn gái đang cười cười nói nói, miệng dính đầy bánh kem. Cả hai nhìn tôi gật đầu chào, xong cúi xuống đùa nghịch như cũ. Mẹ Quế đứng nhìn hai cô bạn của Bình cười, nụ cười thân thiện và thông cảm, không một chút phiền lòng. 


Cô gái có mái tóc hung đi lại nắm tay Quế nũng nịu. Cô ta nhướng người lên hôn miệng Quế, ôm anh ghé đầu tựa vào vai anh. Quế chẳng buồn tránh né khi đang có tôi đứng trước mặt. Bình cố ngăn hai cô bạn gái, nhưng đành buông tay. Mẹ Quế còn nói:


 -Tụi nó đùa với nhau như thế mãi, chứ không có tình ý nào.


Tôi không muốn nhìn thấy hình ảnh khó coi đó, bỏ lên phòng khách ngồi giở tờ báo thời trang hờ hững lật qua về. Dưới bếp, dường như Quế đang vui đùa với hai cô bạn của Bình.


Hai ngày sau Noel, tôi lẵng lặng xách va-ly đổi vé máy bay về lại Mỹ, không nói một lời nào với Quế. Bình đưa tôi ra phi trường khi mọi người còn say ngủ. Chờ cho tôi về tới Mỹ, Quế gọi điện thoại qua xin lỗi. Nhưng tôi lạnh lùng và im lặng không nói điều nào khi Quế cứ mãi phân trần, giải thích. Quế qua Pháp để trả hiếu cho mẹ, bà đã nuôi anh và Bình từ ngày ba anh mất. Tôi không hề ngăn cản, vì biết Quế có lý. Tôi không thể bỏ công việc để qua Pháp, nên đành để Quế ra đi. Sau thời gian như Quế đã hứa, anh chẳng quay lại. Có lẽ hiếu chưa trả xong, tôi vẫn một lòng chờ đợi. Nhưng thời gian vẫn đi qua, Quế dùng dằng không quyết định. Tội đành phải nói lời chia tay vậy. Quế còn bảo tôi gọi mẹ anh xin lỗi vì bỏ về không nói. Tôi im lặng không đồng ý. Tôi cũng đã giải thích với Quế:


-Biển cho dù trời đẹp, vẫn có những cơn sóng nhè nhẹ đùa vào bờ, chớ đừng nói những ngày biển động. Cơn sóng luôn luôn âm ỉ. Chỉ chực chờ ngày biển động, những cơn sóng sẽ nổi dậy òa vào bờ cuốn hết vùng cát trên bờ. Cũng giống như cuộc tình em và anh, dù có cố gắng giấu đi nỗi lòng mình, chỉ một chút không dằng được, sẽ vỡ òa ra ngay. 


Anh đã bỏ em qua Paris sống với mẹ, không hẹn ngày trở về chứng tỏ vợ chồng mình đã ly thân tự ngày anh ra đi, thì có gì để trách móc em. Còn anh bảo qua Paris xin lỗi mẹ, anh có công bằng với em không? Mẹ anh nhìn hai cô bạn gái của Bình đùa cợt lã lơi với anh như thế, bà còn bảo anh và họ đùa như thế mãi, bà còn nhìn em bằng đôi mắt đắc thắng, tại sao anh không nhìn ra điều đó. Em từ ngày về làm dâu mẹ, chưa mở miệng nói một câu nào có lỗi dù mẹ thường đay nghiến em thế nầy thế nọ, nhưng em vẫn im lặng. Nếu đặt vào trường hợp của em, anh sẽ làm phản ứng thế nào? Em đã trở về Mỹ, không một tiếng phàn nàn, thì làm sao anh bắt lỗi. Chuyện đã xảy ra như vậy, anh nên ở Pháp để trả hiếu cho mẹ. Em, cuộc sống nay đã quen dần mất rồi, không thể nào trở lại như trước. Em một mình bên này, anh sống làm tròn bổn phận của một người con bên kia, có lẽ như thế tốt hơn. Mình sống như vậy quá đẹp. Đơn xin ly dị em đã ký, anh khỏi cần bận tâm. 


Cuộc tình vợ chồng chấm dứt, tôi cũng không ngờ mình dễ dàng dứt khoát như thế. Sau ngày chia tay Quế, tôi càng sống âm thầm lặng lẽ hơn. 


Thỉnh thoảng Quế gọi cho tôi, nhưng tôi không bắt máy. Quế cũng qua đây thăm tôi, nhưng không gọi trước, tôi về nhà chị Hoan mấy ngày nghỉ lễ, không gặp nhau. Có lẽ Chúa đã định như thế, tôi và Quế chẳng có duyên gì với nhau cả.


Buổi chiều thầy Dung mời tất cả về nhà dùng cơm, Tuyến đã nhanh miệng từ chối. Anh có dặn tôi đi dùng cơm chiều do anh mời. Tôi lưỡng lự chưa kịp trả lời, anh bỏ đi bắt tay từ giả những người bạn, hẹn tối mai sẽ gặp nhau để tham dự chương trình họp mặt ở nhà hàng.


Lần đầu tiên sau khi xa Quế, tôi bước đi chung đôi cùng Tuyến. Một chút ngại ngần, một chút bối rối, khi bước chân vào nhà hàng. Tuyến tự nhiên hơn tôi, quay qua tôi cười cười nói nói, không để ý đến người chung quanh. Một lát sau, tôi mới cảm thấy bình tĩnh và thoải mái hơn.


Tuyến kể, ngày đó, Tuyến cưới Trân một cách vô tư, không biết rõ Trân là ai, nhưng lấy vợ đúng như ông bà mình đã nói” trai lớn lên lấy vợ,  gái lớn lên lấy chồng”. Tuyến không xao xuyến gì cho lắm khi trao nhẫn cưới cho Trân. Trong thời gian chung sống bên nhau, Tuyến mới thấy những lời bạn bè khuyên ngăn trước đây là đúng. Cuộc sống giữa hai người càng ngày càng xa lạ. Trân đọc được những ý nghĩ của Tuyến, nàng đề nghị chia tay. Tuyến gật đầu không ngăn cản ý định củaTrân.


Từ ngày đó, Tuyến sống một mình không hề hối hận. Dường như tôi với Quế cũng tương tự như thế.


Tuyến kể thao thao bất tuyệt, tôi ngồi lắng tai nghe chuyện tình của anh sao hao hao giống như tôi. Chia tay Quế xong, mấy người bạn nghe chuyện ôm tôi vỗ về an ủi, nhưng tôi thản nhiên không lấy làm nuối tiếc, nhớ nhung gì cả. Ngày Quế đưa mẹ tới nhà gặp mẹ tôi, ba mẹ tôi gật đầu không phản đối. Chị Hoan, chị Thủy bảo hôn nhân của tôi với Quế không gian nan lận đận như hai chị. Ngay chuyện cưới hỏi cũng song suốt, chị Hoan bảo sau nầy tôi sẽ sung sướng. 


Nếu quả thật như lời chị Hoan nói, chuyện tình cảm của tôi và Quế đã rẽ qua một khúc quanh khác, hạnh phúc hơn, chứ đâu có lẽ loi một mình như bây giờ. Nhưng tôi không đau đớn, mà lại cảm thấy quyết định xa Quế như một sự giải thoát cho chính mình. Hôm mẹ Quế mất, tôi không qua Pháp để từ giả bà, nhưng tôi đã gởi hoa và gọi anh em Quế an ủi họ…


Tuyến đánh khẻ lên bàn tay tôi:


-Sao Liên im lặng không nói lời gì. 


Tôi giật mình cười:


-Im lặng để nghe chuyện buồn vui của anh chứ!


Tuyến nhìn tôi cười:


-Cho đến hôm nay sau bao nhiêu năm trời, Liên mới chịu ngồi nghe anh kể về cuộc đời anh. Giả như trước đây Liên ngồi lại với anh như vậy, cuộc đời anh và Liên đã không như ngày hôm nay. Nhưng anh nghĩ cũng chẳng muộn màng phải không Liên? Người ta có thể làm lại cuộc đời cho dù tuổi đã cao, tim vẫn còn đập thì tình…


Liên ngắt lời Tuyến:


-Thật ra ngày đó Liên coi anh như người anh trai. Vã lại khi nghe Nguyên nói nhiều về anh những ngày ở Sài Gòn, Liên cảm thấy mình không phải đối tượng của anh. Sài Gòn chán gì cô gái đẹp để anh chú ý, sao lại Liên. Mặc dù có đôi lần bắt gặp ánh mắt của anh nhìn Liên, nhưng Liên không dám nghĩ nhiều hơn thế nữa. Nhưng cũng lạ, khi hay tin anh sắp cưới vợ, Liên cảm thấy mình hụt hẫng, không hiểu nỗi. Cho đến khi gặp Quế, chỉ quen nhau chưa đầy ba tháng, anh tỏ ý muốn cưới Liên, không một chút suy nghĩ, Liên gật đầu. Cho mãi đến ngày rước dâu, Liên mới thấy mình hấp tấp, vội vàng. Nhưng Liên quan niệm rằng, dù không yêu như những người bạn gái thường kể, Liên vẫn có thể có hạnh phúc. Hạnh phúc như ba mẹ Liên. Ba Liên cưới mẹ, chưa hề biết nhau trước đây, nhưng họ hạnh phúc, vẫn ăn ở với nhau lâu dài có sao đâu.


-Liên có cảm thấy như thế là sai lầm không? Hay quyết định như thế là đúng đắn.


Câu hỏi của Tuyến khiến cho tôi lúng túng. Tôi suy nghĩ, nếu đúng đắn thì giờ này tôi không ngồi tại đây với Tuyến. Nếu đúng đắn, tôi không phải sống một mình như thuyền không bến.


Tôi nhìn Tuyến không trả lời, chỉ mím môi gượng cười. 


Không hiểu vì đâu tôi có thể ngồi với Tuyến mãi đến chín giờ rưỡi tối. Khi ra khỏi nhà hàng, chiếc áo đầm màu đen hòa trong đêm. Tuyến nhìn tôi với tia mắt trước đây:


-Nhìn Liên chẳng thay đổi mấy. Duy chỉ có mái tóc khác lạ hơn, anh có thể nhìn thấy khuôn mặt Liên rõ ràng hơn trước và đẹp hơn xưa.


Tuyến nói làm tôi nhớ, cả buổi chiều trước giờ hẹn, tôi định để bộ mặt thật của mình, không son phấn, nhưng khi khoát lên chiếc áo đầm đen, tóc tai chưa chải gọn, tôi trông phờ phạc như người bệnh, khiến tôi đổi ý. Lâu lắm tôi mới ngồi trước tấm kính trang điểm. Kẻ viền mắt xong xuôi, lấy thử ống son của cô bạn gái cùng sở tặng hôm sinh nhật, tô lên môi màu son nhạt, đến khi tôi nhìn mặt tôi lên tấm kính, tôi thật sự thấy mình lạ hẳn. 


***


Tối hôm sau họp mặt bạn bè, thầy Dung chu đáo sắp đặt lo hết chương trình Đại hội. Mọi người hân hoan gặp mặt nhau. Không biết vì cố ý hay vô tình, thầy Dung sắp chỗ ngồi cho tôi và Tuyến bên cạnh nhau. Nhìn thấy nụ cười lém lỉnh của Hạnh, tôi một chút bối rối. Cô bạn gái có tiếng nghịch ngợm nhất trong lớp ngày nào dường như vẫn không bỏ, Hạnh đến gần cạnh tôi, hóm hỉnh cười:


-Sao chỗ ngồi tốt chứ. Sáng hôm nay một mình thầy Dung sắp xếp bàn ghế. Không tin, Liên hỏi thầy thử sao.


Tôi nhìn Hạnh háy dài:


-Chắc có lẽ có bàn tay Hạnh trong khi thầy làm việc.


Hạnh cười òa, đánh khẻ lên tay Tuyến:


-Nhỏ Liên này tuy ít nói, nhưng khi mở miệng khôn ngoan như cáo. Nhưng Liên nói cũng có phần đúng anh ạ!


Hạnh bỏ đi sau câu nói khiến Tuyến nhìn tôi cười:


-Vì thế anh phải mất bao nhiêu tháng ngày tìm Liên. Anh hy vọng lần này Liên không lẫn tránh như ngày nào.


Tôi lặng lẽ cười không nói. Gần hai giờ khuya tiệc mới tàn, có nhiều người vẫn còn muốn ở lại, nhưng thầy Dung đọc được trong đôi mắt của ông chủ nhà hàng, thầy ra hiệu cho mọi người giải tán. Tuyến đứng dậy, xin lỗi thầy Dung có điều muốn nói. Anh cầm micro:


-Sẵn dịp gặp nhau ở đây, Tôi mời bạn ghé nhà nhân ngày lễ Lao Động. Còn tới hai tháng nữa. Hôm qua thầy Dung có đề cập tìm một chỗ tốt đủ để các bạn tham dự. Tôi rất hân hạnh đón tiếp thầy và các anh chị.


Thầy Dung đang ngồi nhỏm dậy:


-Anh Tuyến có đủ phòng cho tất cả chừng bao nhiêu người không?


- Thật ra mỗi người mỗi phòng thì không có, nhưng cũng có thể. Những căn phòng để dành cho các chị. Đàn ông mình đâu có gì khó, cần tấm chăn, gối, ngủ ở phòng khách, phòng chơi game.


Thầy Dung thúc hối mọi người nào đi được nên ghi tên để Tuyến còn sắp đặt phòng ốc. Thấy Liên còn phân vân, Tuyến nắm tay Liên:


-Đồng ý chứ Liên, đừng từ chối nữa.


Liên cầm cây viết trên tay nghĩ ngợi. Tuyến thay Liên viết vội tên nàng.


Hạnh cười rạng rỡ:


- Thế là tụi mình có dịp phá nhau nữa rồi.


***


Chỉ còn hai tuần nữa, mọi người sẽ gặp nhau ở nhà Tuyến. Mấy hôm nay Hạnh thúc hối mua vé máy bay kẻo chần chừ để cận ngày vé sẽ đắt, nhưng tôi vẫn còn phân vân. Câu hỏi đi hay không đi. Suy nghĩ mãi câu nói của Hạnh, ly trà nóng cầm trên tay nãy giờ đã nguội hẳn. Tối hôm qua, Tuyến gọi hỏi đã mua vé chưa, tôi ậm ừ. Tuyến xin tôi mua vé gởi xuống, nhưng tôi đã vội ngăn cản không bằng lòng. Giọng Tuyến buồn buồn trong máy. Tôi chỉ im lặng. 


Cuồi cùng sau nhiều lần suy nghĩ, tôi đành mua vé qua Tuyến. Giọng Tuyến reo vui:


-Anh phải cám ơn Liên. Suốt mấy tuần nay anh không ngủ được vì sợ Liên không đi. Nỗi lo âu bám riết lấy anh không dứt. Anh mong Liên từng ngày. Anh sẽ ra phi trường sớm hơn để đón Liên. Tuần vừa rồi thầy Dung gọi có hỏi về Liên đã trả lời chưa, anh chẳng biết trả lời sao cả. Tối nay anh sẽ gọi báo tin cho thầy hay.


Buổi chiều, phi cơ đến đúng giờ đã ghi rõ trên tấm vé. Hành lý chỉ vài bộ quần áo đơn giản. Tuyến đón tôi ngay hành lang dành cho thân nhân, nụ cười rạng rỡ trên môi. Tôi hỏi anh chờ lâu chưa, anh bảo đến trước cả tiếng đồng hồ, đi loanh quanh vài vòng, ngồi nhấm nháp ly cà phê vừa dứt, đã nhìn thấy tôi bước ra. Anh dành chiếc va-ly trên tay tôi cười vui:


-Anh hy vọng lần sau, hành lý sẽ nặng hơn lần này.


Tôi ngẩn ngơ nhìn Tuyến:


-Sao vậy?


Tuyến cười to:


-Vì …Liên sẽ ở lại lâu hơn.


Mặt tôi bỗng nóng bừng, tôi ngó lơ khi bắt gặp đôi mắt Tuyến đăm đăm nhìn tôi. Tôi hơi ngượng cúi đầu bước theo Tuyến ra khỏi thang máy ở phi trường, anh quay lại:


-Liên đứng chờ anh ở đây. Anh qua bên kia đường lấy xe, quay lại đón Liên. Vừa nói, anh đã nhớm chân đi. 


Tôi nhanh nhẹn sau Tuyến:


- Thôi để Liên đi qua lấy xe với anh, khỏi mất công đi vòng lại.


Tuyến dừng lại bên chiếc xe màu đen bóng loáng, anh mở cánh cửa và dìu Liên ngồi xuống ghế. Lâu lắm, mới có người săn sóc mình như Tuyến, bất chợt tôi cất tiếng thở dài.


-Liên Okay không?


Tôi thành thật trả lời Tuyến:


-Khá lâu, mới có người mở cửa xe cho Liên. Cử chỉ của anh gợi cho tôi nhớ…


Nói đến đây tôi dừng lại kịp và nhìn bâng quơ hai bên đường. Xe chạy ra khỏi thành phố, dọc hai bên đường, những đám lúa mì đã chín tới, vàng rộm như một tấm thảm mềm mại trãi dài. Mùi cỏ xanh mới cắt thơm nồng nàn. Ngã người trên ghế, nhắm mắt. Những ý nghĩ mông lung trờ tới trong đầu. Ngày đó về với Quế, chúng tôi thật sự không có kỷ niệm đẹp nào bên nhau. Quế suốt ngày lo chăm sóc cho mẹ, đi đâu cũng có sự hiện diện của bà. Kể cả lúc vợ chồng muốn đi xem phim, mẹ Quế cũng muốn đi theo. Cử chỉ Tuyến mở cửa xe, dìu tôi ngồi vào ghế vừa rồi, chẳng hề có trong cuộc sống của tôi và Quế. Tôi sống lặng lẽ như người mắc bệnh mộng du trong đêm khuya, không biết mình đang làm gì. Cho đến khi Quế bỏ tôi ở lại Mỹ, qua Pháp chăm lo cho mẹ. Quế đã đánh thức đầu óc ngu muội của tôi. Bao nhiêu năm nay, trái tim tôi chừng như ngưng giao động. Cuộc sống thật giản dị, sáng sáng đi làm, chiều về nằm đọc sách và nghe vài bản nhạc buồn. Và cuộc sống sẽ kéo mãi dài như thế…


Một người đàn ông lâu lắm tôi không nghĩ đến. Nhưng khi gặp lại nhau, vẫn có điều gì nơi Tuyến, dường như vương vấn, dường như có niềm vui trong lòng. Tuy nhiên, đến từng này tuổi tôi vẫn dè dặt, sợ dẫm phải con đường cũ. 


Chiếc xe đang trôi êm đềm, bỗng rung rinh bởi con đường gập ghềnh đánh thức tôi. Tuyến ngỡ tôi lịm đi vì mệt, anh lo lắng:


-Liên, khỏe chứ? Con đường hơi xấu. Mình cũng gần đến nhà.


Chiếc xe đang từ từ leo dốc, Liên liếc nhìn xa xa vài ngôi nhà ẩn khuất sau những tàn cây rậm. Khu nhà hai tầng khá lớn. Tuyến đưa tay chỉ về phía ngôi nhà:


-Nhà anh bên kia con đường, ở đây cũng khá lâu quá quen thuộc đường lối nên chẳng muốn bỏ đi đâu cả.


Tuyến ngưng lời, tiếp:


-Có được ngôi nhà này là điều không thể tưởng. Ngày anh vào làm ở công ty gặp ông chủ lớn, trong một bữa tiệc ông ta có vẻ quý anh, đem về nhà giới thiệu với gia đình. Từ đó, ông bà mời về nhà dùng cơm chiều hoài. Hai ông bà không có con cái, nên sau khi ông nghỉ dưỡng già anh thường thường mua quà thăm viếng ông bà. Cho đến khi muốn bán ngôi nhà này, ông bà hỏi anh muốn mua lại không. Thật tình, ngày đó làm gì có số tiền lớn như thế để mua. Anh chỉ biết cười trừ khi ông bà hỏi. Cuối cùng anh nói thật, số tiền có trong ngân hàng không đủ để mua nhà bếp của họ chứ đừng bảo là mua ngôi nhà như thế. Ông bà đề nghị cho anh trả góp hàng tháng, anh từ chối không chịu. Đời anh sợ nhất là mắc món nợ lớn, không trả được mắc cở lắm. Cuối cùng hai ông bà đề nghị sau khi ông bà dọn về Florida, họ nhờ anh trông hộ. Công ty gần nhà, anh bèn gật đầu đồng ý. Nhưng khi ông bà mất, anh định dọn đi trả nhà lại cho người cháu. Nhưng Liên biết sao không? Một bất ngờ lớn. Ai dè ông bà để di chúc lại, người cháu loan báo ngôi nhà ông bà để lại cho anh không có điều kiện nào cả. Anh nghe Luật sư đọc xong, quả thật ngỡ ngàng. Suốt cuộc đời anh, làm sao mua nỗi ngôi nhà to lớn kia. Anh lo sợ người cháu của ông bà nghĩ bậy về anh, nhưng anh cháu vui cười cho biết công ty này ông bà để lại cho anh ta. Hy vọng anh sẽ ở lại giúp đỡ công ty. Anh chưa hề khóc trước mặt mọi người, nhưng hôm đó anh không ngăn được dòng nước mắt của mình. Tất cả mọi đồ vật quá giá trong ngôi nhà anh vẫn giữ mãi và không xê xích. Cứ mỗi ngày về tới nhà, anh không bỏ thói quen từ nhiều năm nay, đi lên xuống thang lầu vài vòng, để tưởng nhớ tới ông bà. Đôi lúc anh có linh cảm dường như hai ông bà vẫn còn loanh quanh đâu đó. 


- Linh cảm thế bộ không sợ sao anh?


- Không! Lúc còn sống họ thương anh như thế, làm gì sợ nữa. 


- Cũng nhờ ngôi nhà khá lớn như thế, anh mới dám mời tất cả bạn về đây. Vui hơn thế nữa, có dịp để anh gặp lại Liên nữa, lâu lắm anh ao ước có giây phút này. Giọng Tuyến nghiêm trang đằm thắm, khiến mắt Liên nghe cay nồng. Rút miếng khăn giấy trong hộp để gần đấy, Liên lau nhanh lên mặt, che dấu giọt nước mắt sắp chảy dài xuống má. 


Thế mà ngày xưa cứ ngỡ trong mắt Tuyến, Liên chỉ là con bé lặng lẽ không đáng để Tuyến nghĩ tới. Mình luôn luôn chạy trốn Tuyến, chưa hề một lần ngồi lại để Tuyến nói lên cảm nghĩ của anh về mình. Liên nhớ có một lần Nguyên nói:


- Mày thử làm chị tau coi ra sao. Anh Tuyến có vẻ mết mày, nhưng anh thấy mầy sợ sệt nên không đành lòng. 


Ngày Tuyến vào Sài Gòn học, tôi đã thấy mình thua thiệt, nên không dám nghĩ những điều mình mong ước. Ngay cả ở Đà Nẵng, Tuyến cũng là tâm điểm để những cô gái chú ý tới, nói gì Sài Gòn. Tôi đã trốn chạy Tuyến, chú tâm vào việc học cho đến khi nhận lời Quế.


Về đến nhà Tuyến mới biết được tôi là người đầu tiên trong buổi gặp mặt bạn bè. Tuyến xách thẳng va-ly của tôi vào căn phòng khá rộng trên lầu. 


-Anh dành Liên phòng này để Liên có thể nhìn xung quanh thành phố nằm dưới thung lũng. Tối lại, khung cảnh đẹp hơn nhờ có những dãy đèn. Ở đây buổi chiều có những đàn nai kéo nhau về tìm kiếm thức ăn. Biết ý đàn nai, thực phẩm anh mua sẵn để chúng tìm tới. Đôi lúc một mình buồn, nhìn chúng anh cảm thấy đỡ trống vắng. 


Thật vậy, khi Tuyến nói xong anh khép nhẹ cánh cửa bỏ tôi lại trong phòng để xuống bếp hâm nóng lại thức ăn. Chưa vội thay áo quần, tôi vén tấm màng voan nhìn ra bên ngoài, đúng như lời Tuyến. Xa xa phi trường với những phi cơ đang bay vòng trên bầu trời để chờ đáp xuống phi đạo. Nhà cửa nằm san sát bên nhau. Thời tiết ở nơi này không nóng lắm, nên cây cối nhuộm xanh cả một vùng. 


Trước khi ngồi vào bàn ăn, Tuyến đưa tôi đi quanh nhà. Ngôi nhà đã hai mươi ba năm, nhưng màu sơn vẫn không thay đổi. Những căn phòng trang hoàng thật trang nhã. Ngay cả bàn ghế cũng chưa sây sứt. Tấm hình của hai ông bà sang lớn Tuyến vẫn để nguyên vẹn không dời. Họ rất đẹp đôi. Tuyến thấy tôi chăm chú tầm hình, anh cười:


- Có thể kiếp trước anh là con của ông bà, nên mới có ngôi nhà này. Tự dưng mình từ đâu đâu tới đây, không bà con thân thiết, họ lại để cho anh trong di chúc. Cho mãi tới giờ này, nhiều lúc tỉnh giấc trong đêm, anh vẫn ngỡ đang nằm mơ. 


Tôi buộc miệng:


-Liên cũng nghĩ như thế. Lắm khi người dưng còn tốt hơn người trong gia đình. Ngày còn sống anh chăm sóc ông bà, vì vậy nên họ dành cho anh tình cảm đặc biệt. 


-Anh đến thăm ông bà vì nghĩ tới khi anh làm việc ông đối xử với anh thật tốt, thế thôi. Ai dè.


Buổi chiều, Tuyến lái xe đưa tôi dạo loanh quanh thành phố và dừng lại trên con dốc cao. Tuyến mở lời:


- Liên nghĩ thế nào về nơi anh ở. 


Tôi đùa:


-Anh chọn đúng nơi để dưỡng già.


Anh cười to:


-Vậy ý Liên thế nào?


Tôi cố giả vờ như không nghe, nhưng Tuyến vẫn cố tình hỏi mãi, cuối cùng tôi nói:


-Quan trọng là anh nghĩ thế nào, còn Liên chỉ là khách được mời đến đây.


-Nhưng anh muốn Liên trả lời cho anh biết. Cuộc đời còn lại, anh chỉ mong có thế.


Tuyến nhìn vào mắt tôi không chớp. Bỗng dưng tôi thấy lòng mình lắng xuống. Chống tay lên tấm kính cửa xe hơi, tôi nhìn Tuyến giọng đầy xúc động: 


-Anh thấy điều cần thiết có Liên bên cạnh… tự hồi nào vậy?


-Không hiểu sao sau khi chia tay Dung, anh nghĩ sẽ có ngày gặp lại em. Vẻ mặt Liên lúc ẩn lúc hiện, anh không thể quên được. Thêm vào đó, mỗi lần gọi điện thoại cho Nguyên, nó thúc anh bay qua gặp em. Lắm lúc anh cũng muốn như thế, nhưng rồi anh kềm chế được lòng mình. Nếu em không bằng lòng tiếp anh, chỉ gánh thêm nỗi buồn. Hôm đại hội chưa tìm được em, anh đã thất vọng chán chường, nói gì đến tỏ tình. Nguyên trách anh ngày xưa hay đùa, hay dỡn, nhưng sao lúc này anh trầm ngâm đến thế. Anh nghĩ vì tuổi tác, và trãi qua cuộc hôn nhân bất thành, khiến anh thay đổi nhanh chóng như vậy. Anh cố tình tổ chức buổi họp mặt ngày mai, cũng vì em. Anh muốn gặp lại lần nữa, mới có cơ hội nói ra những gì anh cần nói với Liên. Anh rất vui mừng, cám ơn em đã đến. Chúng mình đều có hoàn cảnh khá giống nhau, cả hai đều không bị trói buộc…


Giọng Tuyến trầm trầm đầy xúc động. 


Trước khi gặp lại Tuyến, tôi cảm thấy an phận với cuộc sống yên ả của mình sau ngày chia tay Quế. Tôi không còn giây phút khó khăn khi đối diện với người chồng chưa bao giờ biết nói lên một câu nào khuyến khích hay thương yêu người vợ. Khi nào cũng nghĩ đến mẹ, từ chiếc bánh ngọt cho tới những đĩa thức ăn tôi đã tự tay làm cho Quế, không hề có lấy một lời cảm ơn. Sống với Quế nhưng không thể hiểu được ý Quế, tôi biết không thể nào tìm được hạnh phúc bên Quế dù cho mình cố gắng chăng nữa chỉ gánh thêm nỗi đau buồn. Đời sống của tôi trĩu nặng trong nỗi chán chường. Cho nên sau ngày ly hôn, tôi quyết để lòng mình lắng xuống, tự tìm cho mình một chốn bình an.


Nhưng sau ngày họp mặt bạn bè, tôi cảm thấy lòng mình xao động. Khi nhìn thấy nụ cười của Tuyến. Những cử chỉ âu yếm, săn sóc của Tuyến cho dù tôi muốn thờ ơ đi nữa vẫn không thể. Trong buổi chiều ngồi lại bên đồi cạnh Tuyến, với những lời ngọt ngào, tôi hy vọng tìm lại bình yên cuối đời. 


***


Trên chiếc bàn khá lớn, mọi người đã về đông đủ. Thầy Dung cầm cái chuông bạc rung liên hồi để đánh tan tiếng cười nói.


-Hôm nay chúng mình tụ họp thật đông đủ theo lời mời của anh Tuyến. Mặc dầu trước đây mỗi lần trường tổ chức Đại hội anh chị em đều tham dự, nhưng lần này đặc biệt hơn. Tuyến sẽ có vài lời chia sẻ.


Tuyến cười, nhìn mọi người:


-Đúng như lời thầy Dung. Lần gặp mặt lần này tôi xin dành cho anh chị sự ngạc nhiên. Tôi và Liên…


Câu nói chưa chấm dứt, thầy Dung cầm hai chiếc chìa khóa nhà trên mặt bàn, vội ngắt lời Tuyến:


-Hôm nay, anh Tuyến sẽ giao chiếc chìa khóa nhà thứ hai cho Liên.


-Vậy là thế nào? Giọng Phương.


-Bộ Phương không hiểu chút nào sao?


Hạnh cười vang


-Anh Tuyến sẽ mang nàng về dinh đó bà.


Mọi người ồ lên reo cười. Mặt tôi đỏ lên như màu gất. Tiếng điện thoại reo lên liên hồi. Tuyến đứng dậy bắt máy, liền vội đưa cho tôi.


Bên kia giọng Nguyên, em Tuyến:


-Liên đợi cả một phần tư thế kỷ mới chịu gật đầu làm chị của Nguyên. Nghe anh Tuyến nói hôm nay họp mặt đông đủ, Nguyên tiếc không tham dự. Nhưng đám cưới anh chị, sẽ có mặt Nguyên. Không những đây là niềm vui của anh Tuyến, mà còn là niềm vui của Nguyên nữa. Đã từ lâu, Nguyên luôn luôn mong mõi anh Tuyến có người đàn bà bên cạnh, không ai khác đó là Liên. 


Từ bên kia giọng Nguyên đầy nước mắt. Và bên này khuôn mặt của tôi cũng nhòe nhoẹt ướt theo mỗi một lời nói của người bạn thân nhất từ thời trung học mãi cho đến bây giờ. Tất cả mọi người đứng vây xung quanh tôi tự hồi nào không hay. Thầy Dung cần đàn guitar, bảo hát giúp cho Tuyến chỉ vài câu gởi Liên như một lời hứa hẹn cho ngày mai:


Dù cho mưa tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời


Dù cho mây hay cho bão tố có kéo qua đây


Dù có gió có gió lạnh đầy


Có tuyết bùn lầy có lá buồn gầy


Dù sao, dù sao đi nữa, tôi cũng yêu em…


Nhạc: NTMQ


QUÁCH Y LÀNH


 


 


 


 


     


 

DanQuyen.com
    Phản Hồi Của Độc Giả Về Bài Viết
Họ và Tên
Địa chỉ
Email
Tiêu đề
Nội dung
Gửi cho bạn bè Phản hồi

Các bài viết mới:
    Xa Xóm Mũi (31-03-2024)
    X - Năm Một Ngàn Chín Trăm Năm Xưa (31-03-2024)
    Vị Của Lời Câm (31-03-2024)
    Neo Lại Bóng Mình (18-02-2024)
    Bóng Của Thành Phố (18-02-2024)
    Chuyện Cục Kẹo (24-01-2024)
    Con Trai Và Má (24-01-2024)
    Củi Mục Trôi Về (24-01-2024)
    Bùa Yêu Và Con Nhỏ Thất Tình... (24-01-2024)
    Biết Sống (07-01-2024)
    Biển Của Mỗi Người (07-01-2024)
    Ấu Thơ Tươi Đẹp (07-01-2024)
    Áo Rách Và Nắm Bụi (07-01-2024)
    Ai Biểu Xấu (30-11-2023)
    Áo Tết (30-11-2023)
    Bên Sông (01-10-2023)
    Bóng Của Thành Phố (01-10-2023)
    Ăn cơm một mình (01-10-2023)
    Từ bi ươm sức sống (01-10-2023)
    Nhà mưa (24-08-2023)

Các bài viết cũ:
    Tình tay ba (09-07-2017)
    Chuyến xe cuối ngày (02-07-2017)
    Chuyện Thằng Mậu (28-06-2017)
    Đêm lũ mưa (25-06-2017)
    Nhật ký của bố (22-06-2017)
    Mảnh vỡ (19-06-2017)
    Vùng trời ở lại (16-06-2017)
    Chửa đi rồi cưới (11-06-2017)
    Đôi bờ hạnh phúc (07-06-2017)
    Lão lừa (30-05-2017)
    Hà Nội, cổ kính, cổ xưa và buồn (27-05-2017)
    Người dành trọn cả đời để yêu thương (22-05-2017)
    Thiên thần của con (18-05-2017)
    Cò về tổ ấm (14-05-2017)
    Tạm biệt em- Đà Lạt (11-05-2017)
    Mẹ kế (07-05-2017)
    Vắng những vì sao trên đồng cỏ (04-05-2017)
    Người Nhà (01-05-2017)
    Duyệt di chúc (28-04-2017)
    Đổ vỡ (26-04-2017)
 
"Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam".

Chuyển Tiếng Việt


    Truyện Ngắn
Xa Xóm Mũi


   Sự Kiện

Lời Di Chúc của Vua Trần Nhân Tôn





 

Copyright © 2010 DanQuyen.com - Cơ Quan Ngôn Luận Người Việt Hải Ngoại
Địa Chỉ Liên Lạc Thư Tín:
E-mail: danquyennews@aol.com
Lượt Truy Cập : 152740992.